QĐND Online – “Phụ nữ và trẻ em Việt Nam” là chủ đề cuộc Triển lãm tranh của họa sỹ Phạm Lực, do Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) và họa sỹ Phạm Lực tổ chức tại Lobby tầng 2 – Khách sạn Melia, 44 B Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
Đây là triển lãm tranh đầu tiên của họa sĩ Phạm Lực về chủ đề “Phụ nữ và trẻ em Việt Nam” với tổng số 35 bức tranh sơn dầu và sơn mài. Mỗi bức tranh là một tác phẩm độc đáo, thể hiện niềm đam mê sáng tác về phụ nữ và trẻ em Việt Nam của một họa sỹ tài năng.
Hoạ sỹ Phạm Lực sinh ra ở Huế, nhưng khi lên ba tuổi, ông về sống ở quê ngoại, tại làng Tiên Ðiền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Phạm Lực say mê vẽ từ nhỏ, khi “bút vẽ” chỉ là những mẩu than, viên phấn, que tre hay mẩu sắn mỳ phơi khô. Ngày ấy, cậu bé Phạm Lực mải mê phác họa cảnh đồng quê, sông nước, con đò, hình ảnh người nông dân tần tảo, lam lũ… lên bất kỳ nơi nào có thể vẽ được như: tường nhà, sàn đất, bãi cát, bờ sông…
Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Trung cấp mỹ thuật Hà Nội, Phạm Lực đã lên đường nhập ngũ. 35 năm trong quân đội, ông đã sống một cuộc đời nghệ sĩ – chiến sĩ, rong ruổi khắp chiến trường. Mang quân hàm Thiếu tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phạm Lực tốt nghiệp Ðại học Mỹ thuật năm 1977. Ông có khả năng làm chủ mọi chất liệu: sơn dầu, sơn mài, thuốc nước, tranh lụa, khắc gỗ… Tự lúc nào, những người yêu tranh của ông ở Việt Nam và ở nước ngoài đã tập hợp nhau lại thành “Câu lạc bộ những người yêu tranh Phạm Lực”.
ranh của Phạm Lực đã có mặt ở Pháp, Ba Lan, Mỹ, Ðức, Nga, Italy, Nhật Bản… Nhiều tác phẩm của ông đã được trao giải thưởng lớn. Trong đó, ông tâm đắc nhất với giải thưởng về đề tài “Chiến tranh cách mạng và người lính của Bộ Quốc phòng”.
Người ta vẫn quen gọi Phạm Lực bằng cái tên thân thương “họa sỹ của lòng nhân ái”, bởi ông rất dễ xúc động trước đau khổ của những người nghèo khó, các cháu học sinh tàn tật, bất hạnh. Những nhân vật ấy không chỉ mang lại cảm hứng sáng tác cho ông mà mà mỗi khi bán được tranh, ông lại tìm đến họ với mong muốn được góp phần giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của với tâm niệm: “Họ đã mang lại cho tôi cuộc sống, tôi phải biết ơn họ. Tôi muốn vẽ vì một lý tưởng nhân đạo”.
Cùng với Câu lạc bộ những người yêu tranh của mình, ông đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ người nghèo. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân số gia đình và trẻ em. Ông luôn chia sẻ sự thành công của mình với những hoàn cảnh nghèo khổ, kém may mắn bằng cách dành một phần thu nhập của việc bán tranh để làm từ thiện. Năm 2004, tặng 60 bức tranh cho tổ chức “Ðồng bào” để xây dựng một căn nhà trị giá 70 triệu đồng. Năm 2005, ông tặng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam hai bức tranh trị giá 14.000 USD. Ngoài ra, họa sỹ còn góp tranh ủng hộ các tổ chức từ thiện như: bác sĩ không biên giới (phẫu thuật nụ cười), tầm nhìn khác (mổ mắt), trẻ em tàn tật và góp tiền xây ba cơ sở dạy nghề cho trẻ em tàn tật tỉnh Ninh Bình; tặng ba máy thu hình cho Trung tâm mồ côi huyện Bình Lục (Hà Nam) và may 50 bộ quần áo cho trẻ em nghèo tại đây.
Triển lãm tranh “Phụ nữ và trẻ em Việt Nam” chính là sự khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác của họa sĩ với UNICEF. Họa sỹ sẽ dành một nửa số tiền bán tranh lần này tặng cho UNICEF để thực hiện các hoạt động từ thiện, nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em Việt Nam. “Tôi không theo bất cứ một trường phái nghệ thuật nào. Khi vẽ tranh, tôi lắng nghe trái tim mình và tôi thể hiện những gì tôi quan sát được về cuộc sống của mọi người xung quanh. Tôi tìm thấy sự bình yên trong hội họa. Các bức tranh của tôi chính là tín ngưỡng của tôi”, họa sĩ Phạm Lực cho biết.
Triển lãm kéo dài từ ngày 31-8 đến 15-9.
Tin, ảnh: Nguyễn Oanh