“Vẽ với tôi – Ấy là giời đày”!

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp người họa sĩ ấy là một bộ ria mép phong trần, một đôi mày rậm ngự trên một đôi mắt sâu thẳm nhưng dịu dàng. Đó là họa sĩ, thiếu tá quân đội Phạm Lực, người con xứ Huế, người từng có thời thơ ấu gian khổ ở quê ngoại Tiên Điền, Hà Tĩnh (mẹ ông là chắt ngoại của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du).

Thời thơ ấu gian khổ bên dòng sông La của ông chịu biết bao tủi cực, đắng cay. Thế nhưng, như một cơ duyên trời định, Phạm Lực mê vẽ tranh và vẽ đẹp mặc dù chưa qua bất cứ một trường lớp nào. Bút vẽ là cành cây, cục than, miếng gạch vụn, mẩu sắn mỳ phơi khô, Phạm Lực say mê “sáng tác” trên… những bức tường nhà hàng xóm…

Sau bao nhiêu cố gắng vượt lên khó khăn, Phạm Lực thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật VN năm 1960. Ra trường, chàng họa sĩ trẻ khoác ba lô nhập ngũ, chiến đấu ở các tuyến lửa ác liệt. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1977, đến nay Phạm Lực đã có gần 30 cuộc triển lãm trong và ngoài nước, những người mê tranh ở Liên Xô, Nhật, Đức, Pháp, Mỹ, Italia, Ba Lan biết đến Phạm Lực như một trong những họa sĩ VN với một phong cách dân gian rất đỗi bình dị. Phạm Lực cũng là họa sĩ có nhiều tranh sưu tập tại Viện bảo tàng Mỹ thuật VN và sưu tập cá nhân ở nhiều nước trên thế giới. Lý giải về cơ duyên với hội họa, Phạm Lực mượn câu nói của Tào Mạt “Ấy là giời đày”!

Đối với Phạm Lực, hiện thực cuộc sống là đề tài lớn để hướng tới cái đẹp. 35 năm trong quân ngũ, gần 50 năm gắn bó với hội họa, đề tài trong tranh Phạm Lực là quê hương, là tình yêu và đặc biệt là ký ức tâm hồn qua những bức tranh khổ lớn về mảng đề tài đất nước những năm chiến tranh. Tiêu biểu là các bức Hành quân, Quan họ ở Trường Sơn, Hũ gạo nuôi quân… Những sắc màu trầm, êm và bút pháp giản dị cho thấy tấm lòng yêu thương, đôn hậu của họa sĩ với cuộc sống, tiêu biểu là các bức tranh về phố cổ, về đóa sen, chiếc yếm, bắt cá… Trong tranh Phạm Lực thường thấp thoáng hình ảnh của người phụ nữ rất đỗi chân chất mộc mạc, duyên dáng, các bức Thiếu nữ và hoa loa kèn, Hoa sen, Trăng vàng, Mẹ con xanh, Trở về đồng bằng, Mơ hạnh phúc, Âu yếm đã cho ta trải nghiệm ấy.

Họa sĩ Phạm Lực.

Phạm Lực đam mê vẽ, đam mê đi tìm cái đẹp và đam mê cả kể chuyện. Đó là một Phạm Lực hối hả với cái đẹp, căng toan lên khoảng một chục giá vẽ để sáng tác liên tục mà không qua phác thảo. Một Phạm Lực nói rằng “Tôi sẽ ốm nếu ngừng vẽ” và vẽ bất cứ lúc nào, kể cả trên giấy chống ẩm, trên nền đất, vải xô, giấy báo, bằng vôi ve, bằng sơn ôtô và cũng một Phạm Lực mơ màng kể chuyện tình những nghệ sĩ trên thế giới và lớn tiếng rằng “năm rộng tháng dài, Phạm Lực không bao giờ kể hết những câu chuyện tình yêu của các nghệ sĩ tài danh bất hủ”. Một Phạm Lực vẽ tranh không theo bất cứ một trường phái nào, một người yêu những điều thuần khiết và vẻ đẹp tự nhiên của cuộc sống, một cảm hứng nghệ thuật bắt nguồn từ dân gian. Sự thô mộc của tranh Phạm Lực, của con người Phạm Lực hiện ra với những đường nét thật lung linh, duyên dáng, quyến rũ những người yêu tranh và luôn hướng tới những giá trị chân phác trong cuộc đời.

Đến với hội họa một cách hồn nhiên, Phạm Lực cũng hồn nhiên tặng lại cuộc sống những món quà tình nghĩa. Ông từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm, bán tranh chỉ để làm từ thiện, xây dựng quỹ tình nghĩa, tặng trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ Quỹ Bác sĩ không biên giới (phẫu thuật nụ cười), Quỹ Tầm nhìn khác (mổ mắt), tặng quà cho trẻ em mồ côi, trẻ em tàn tật… Vừa qua, tại Khách sạn Melia (44B Lý Thường Kiệt) đã diễn ra buổi triển lãm tranh đầu tiên về chủ đề Phụ nữ và trẻ em Việt Nam của Phạm Lực. Đây là buổi triển lãm từ thiện nhằm kêu gọi sự giúp đỡ trẻ em và phụ nữ VN. Một phần số tiền bán tranh sẽ được tặng cho UNICEF để thực hiện các hoạt động nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em VN. Với những đóng góp không mệt mỏi cho nền hội họa Việt Nam, họa sĩ Phạm Lực đã được tặng giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 1990, được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiêp dân số gia đình và trẻ em”.

Võ Thị Hà

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *