Tình yêu hội họa đến với Phạm Lực rất sớm – khi mới lên 3 – nhưng tình yêu phụ nữ đến với ông khá muộn mằn, sau đó 30 năm.… Chậm mà không chắc, hai người phụ nữ đẹp (một Việt, một Pháp) đều lần lượt bỏ Phạm Lực ra đi. Để lại ông với những đứa con, rất nhiều bức tranh và một trái tim tổn thương nhưng vị tha đến ngỡ ngàng…
Vẽ rất sớm, vẽ như điên và trên mọi chất liệu (sơn dầu, sơn mài, thuốc nước, tranh lụa, khắc gỗ) nên không ngạc nhiên khi căn nhà 4 tầng ở 175 Nghi Tàm (Hà Nội) của họa sĩ Phạm Lực trừ các lối đi, còn lại gara, bếp, phòng ngủ, phòng khách, ban công… đâu đâu cũng đầy ắp tranh, có những bức đã hoàn thành, có cả những bức còn dang dở…
Phạm Lực có một tuổi thơ vất vả, chăn trâu, cắt cỏ, cầy cấy, phụ mẹ bán hàng… ở quê ngoại (làng Tiên Điền, Hà Tĩnh), nhưng trong câu chuyện, ông luôn cám ơn những tháng ngày đó bởi nó đã cho ông những kí ức thật đẹp, trong trẻo và lấp lánh; cho ông nghị lực để vươn lên…
Dường như cuộc sống có gì, tranh Phạm Lực có đó. Hay nói như nhận xét của 1 vị khách nước ngoài: “Mỗi bức tranh của Phạm Lực là một ô cửa sổ, để người ta thấy được một Việt Nam thi ca, một Việt Nam nhiều tuồng tích – đau thương mà hùng tráng”.
Là một người lính đã trải qua các chiến trường Hàm Rồng (Thanh Hóa), tuyến lửa Vĩnh Linh, Tây Nguyên, Nam Lào,Tây Nam bộ… tay súng tay cọ, Phạm Lực vẽ bất kì lúc nào có thể. Nhưng khác với hình ảnh súng ống, đạn pháo và những trận chiến khói lửa thường xuất hiện trong tranh của nhiều họa sĩ, Phạm Lực thích vẽ những hình ảnh sau chiến tranh như bà mẹ già lưng còng xúc từng thìa cháo cho con trai là thương binh đang ngồi trên xe lăn, hay người vợ mang bầu nhìn lên bàn nơi có ảnh người chồng vừa hi sinh trong chiến trận. “Đó là những giây phút im tiếng súng, nhưng không có nghĩa là mọi thứ đã bình yên” – Phạm Lực chia sẻ…
Mấy chục năm nay, ngày nào Phạm Lực cũng vẽ, ngày nhiều nhất có khi ông vẽ tới 20 bức tranh các loại. Phạm Lực bảo, ông chẳng biết làm gì ngoài vẽ, nấu cơm, trồng cây và chăn nuôi. “Mà nấu cơm thì giờ đây đã có chị giúp việc, chăn nuôi, trồng trọt thì…” – Phạm Lực nói rồi cười và nhìn ra ô cửa, ngoài đó là đường Yên Phụ, nầm nập xe cộ qua lại…
Tình cờ nhưng cũng là may mắn khi tôi gặp được anh Ngô Quang Tuấn, một người mê tranh Phạm Lực đến mê mẩn. Thuyết phục vợ cùng yêu tranh Phạm Lực, đổ một số tiền không nhỏ để mua tranh, nhưng vẫn không thỏa, anh Tuấn còn lấy quần áo, mũ cũ của Phạm Lực để cất đi, thậm chí mua cả một đôi giày mới tặng Phạm Lực để chờ lấy đôi giày cũ của ông. “Cả cái quần này, ông ấy cũng đang gạ tôi để cho ông ấy” – Phạm Lực nheo mắt cười và chỉ vào cái quần có nhiều túi, lấm láp bột và sơn màu. Mỗi người có một cách đam mê khác nhau, nhưng được mến mộ như Phạm Lực, quả là không nhiều. Anh Tuấn hiện là Chủ tịch CLB tranh Phạm Lực, tập hợp khoảng 60 người yêu thích tranh Phạm Lực, đứng ra mở triển lãm hàng năm, tạo điều kiện để họa sĩ có thể yên tâm sáng tác… Với họ, tranh không phải để mua bán, mà là cái cớ để họ gặp gỡ, chia sẻ, thậm chí “khoe” với nhau về những bức tranh của Phạm Lực mà mình đã nhanh tay mua được hoặc sưu tầm ở đâu đó.
Không chỉ những người biết về Phạm Lực nhận xét ông, mà ngay cả ông cũng tự thú là: “Tôi không ghét ai, cũng chẳng giận ai bao giờ. Tôi chỉ không quên hẹn, còn những ai làm mình đau đớn, tổn thương thì tôi nhanh quên lắm…”. Không đơn giản như những gì Phạm Lực bộc bạch, bởi cuộc đời của ông có quá nhiều tổn thương, mát mát, nhưng ông có thể sống vô tư và trẻ lâu như vậy là vì lòng vị tha trong ông quá lớn…
Tôi tìm đến Phạm Lực là để tìm hiểu thêm về thông tin, ông hiện là họa sĩ có nhiều tranh trưng bày ở nước ngoài nhất (trên 2.000 bức) và cũng là họa sĩ Việt Nam có nhiều tranh được đem đấu giá từ thiện nhất. Nhưng xem ra, khai thác thông tin này từ ông hơi khó, bởi đơn giản: “Tôi không nhớ mình đã cho bao nhiêu bức. Thấy người ta nói sẽ đấu giá để làm từ thiện là tôi cho. Tranh mình vẽ được, tiền bán 1 bức tranh có thể giúp đỡ được rất nhiều cảnh ngộ. Vậy tại sao lại không?”. Lật giở những bức ảnh, những tấm giấy ghi nhận đóng góp của Phạm Lực trong việc phẫu thuật mổ mắt, phẫu thuật nụ cười, trẻ em tàn tật… thấy có rất nhiều bức tranh của Phạm Lực đã được bán làm từ thiện, bức được ít là vài nghìn USD, bức nhiều có thể là vài chục nghìn USD.
Nhờ những bức tranh dẫn đường, Phạm Lực đã đi rất nhiều nước, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italia… Tới đâu, ông cũng gặp được những người yêu tranh của mình. Tranh của Phạm Lực cũng đã được treo ở những vị trí sang trọng, trong những bảo tàng, phòng khánh tiết quốc hội Thụy Điển, Trung tâm văn hóa Mỹ…
Với gia tài tranh khổng lồ và thương hiệu “F. Lực” rất nổi tiếng. Tiền bán tranh hàng năm cũng không nhỏ, nhưng Phạm Lực – nay đã là ông già 65 tuổi – vẫn chưa thích nghi được những bữa tiệc linh đình và cảm thấy mình như phát ốm nếu mặc quần áo mới và sang trọng; ngỡ như mình không còn là Phạm Lực nếu phải cạo đi bộ ria mép rậm rạp… Ông cũng thật khác người khi nhận thấy năng khiếu vẽ của các con từ nhỏ, nhưng không tạo điều kiện cho các con nuôi dưỡng năng khiếu đó bởi suy nghĩ: “Tuổi trẻ bây giờ muốn sướng ngay, giàu nhanh và đầu óc quá thực tế”. Với Phạm Lực, bên cạnh vốn sống ngồn ngộn, người nghệ sĩ rất cần những giây phút “tâm hồn treo ngược cành cây”, để sáng tác và thăng hoa. Ông không muốn các con ông sớm say với ảo tưởng thành công mà quên đi sự nỗ lực phấn đấu. Điều này lý giải cho việc, ông đã miệt mài vẽ ngay cả khi những bức vẽ của mình chưa được nhiều người công nhận; và đến hôm nay ông cũng không quá ngạc nhiên hay mừng rỡ khi người ta tìm mọi cách để gặp ông, mua tranh của ông và có cả người đã bật khóc khi trong vòng 37 phút ông hoàn thành bức tranh chân dung sơn dầu lột tả được thần thái của họ.
Phạm Lực “không vợ” từ rất nhiều năm nay. Hỏi Phạm Lực yêu hội họa hay phụ nữ hơn? Ông nói yêu cả hai. Hội họa thì chảy trong máu rồi, còn những phụ nữ dù không mãi mãi bên ông, nhưng tình yêu của họ đã hóa thân vào những bức tranh và những người phụ nữ đó mãi tỏa sáng trên trên Phạm Lực, thật đẹp, tràn trề nhựa sống và đầy đam mê… Với Phạm Lực, tình yêu có thể nhiều lần lỗi hẹn, nhưng ông thú nhận “Chưa bao giờ chán yêu. Giống như sưu tập tranh vậy, càng nhiều càng tốt”… Ông cứ chân thành và say sưa như thế. Nói chuyện càng lâu với ông, càng thấy ông thật trẻ trung, vô tư và có cái gì đó “hồn nhiên” của tuổi già”. Bình thản đến ngạc nhiên, như thể ông đã chạm đến tận cùng của sự đau khổ. Nhưng quan sát thật kỹ, sau ánh mắt cười và trên những bức tranh của ông vẫn thấp thoáng những nỗi buồn nhân tình, thế thái. Những lời tâm sự chia sẻ chân tình, cả những câu thơ như soi thấu tận gan ruột Phạm Lực của cố nhà văn Tào Mạt viết nhân xem triển lãm tranh của ông năm 1991, đã nói thay ông rất nhiều điều. “Sinh tự nê, trung họa tự nê / Tâm linh di thướng ngũ vân phi / Tài cần cốt nhục kinh hàn thử / Thị để hằng trung thái bút huy”. Tạm dịch: Sinh trong bùn, vẽ tự bùn / Mây năm sắc một linh hồn bay cao / Ngọn bút đưa dưới thẳm sâu / Người tình nghĩa, phận lao đao hiện hình”.
Chia tay Phạm Lực vào một chiều đông lồng lộng gió, cái bắt tay thật chặt, ánh nhìn ấm áp và nụ cười hiền dưới hàng ria mép rậm rạp của ông khiến tôi tin rằng: Tình yêu hội họa với ông mãi là mối tình đầu tiên, không bao giờ phai nhạt và sức sáng tạo của Phạm Lực – giống như những mầm xuân ngoài kia – luôn tràn căng nhựa sống.
Hoàng Mai (CT)